Nằm trong danh mục đầu tư cứng hóa đường đến trung tâm xã, đường liên xã chưa được cứng hóa, huyện Nghĩa Đàn được phê duyệt và bố trí nguồn vốn 4 công trình; gồm đường giao thông liên xã từ Nghĩa Thọ đi Nghĩa Phú, từ xã Nghĩa Minh đi Nghĩa Yên, từ làng Cáo đi làng Dàn, xã Nghĩa Mai, từ xã Nghĩa Đức (Nghĩa Đàn) đi Tân Phú (Tân Kỳ).
Hiện nay, 3 công trình đường giao thông liên xã từ Nghĩa Thọ đi Nghĩa Phú, từ xã Nghĩa Minh đi Nghĩa Yên, từ làng Cáo đi làng Dàn, xã Nghĩa Mai đã triển khai thi công; riêng công trình đường giao thông liên xã từ xã Nghĩa Đức (Nghĩa Đàn) đi Tân Phú (Tân Kỳ) chưa triển khai do nguồn vốn bố trí chưa đến 30% tổng mức đầu tư.
Điều rất đáng chú ý, trong số 3 công trình đã triển khai thi công, có 2 công trình đang vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Theo đó, tuyến đường liên xã từ Nghĩa Yên đi Nghĩa Minh có tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng, tuyến đường liên xã từ xã Nghĩa Thọ đi Nghĩa Phú có tổng mức đầu tư hơn 4,3 tỷ đồng; thời điểm triển khai/hoàn thành 2 công trình này là 2022-2023, nhưng đang vướng mắc tài sản trên đất của các hộ dân cũng như của ngành điện lực.
Ông Nguyễn Đình Mạnh, Phó giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Nghĩa Đàn cho biết: tuyến đường từ Nghĩa Yên đi Nghĩa Minh hiện đang vướng mắc 24 cột điện hạ thế của điện lực Nghĩa Đàn. Ngoài ra, còn vướng mắc 600m đất bám đường là đất nông lâm trường giao khoán cho các hộ dân xã Nghĩa Hồng trồng cây. Còn tại tuyến đường liên xã Nghĩa Phú đi Nghĩa Thọ, cũng đang vướng đất giao khoán từ nông lâm trường giao cho một hộ dân xã Nghĩa Phú trồng mía.
Theo ông Mạnh, đây là những dự án không bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng nên quá trình triển khai chủ yếu là tuyên truyền, vận động. Cơ bản người dân đồng thuận tự giải phóng mặt bằng, vướng mắc còn lại là do người dân đề nghị được hỗ trợ tài sản trên đất.
“Với vướng mắc tài sản của ngành điện, huyện đang đề nghị ngành điện hỗ trợ di dời, kết hợp ngày công máy móc của đơn vị thi công. Hiện đang chờ Điện lực tỉnh có ý kiến. Còn với vướng mắc đất liên quan đến nông lâm trường, huyện đã có văn bản sang các đơn vị này. Các đơn vị này cũng đã đồng ý phương án trả đất và đang chờ UBND tỉnh phê duyệt”, ông Mạnh cho hay.
Theo chúng tôi được biết, các công trình hiện đang còn vướng mắc này phải hoàn thành trong năm 2023. Thời gian tài khóa của năm không còn nhiều, nhưng tiến độ thực hiện ở các dự án vẫn rất chậm. Ngay như dự án tuyến đường liên xã từ Nghĩa Yên đi Nghĩa Minh có chiều dài 3.118m, nhưng đã triển khai thi công khoảng 1.500m. Đối chiếu khối lượng phần việc đang vướng mắc chưa giải phóng mặt bằng, là 24 cột điện hạ thế trên tuyến, 600m đất bám đường của các hộ dân Nghĩa Hồng… nếu không nỗ lực lớn thì rất khó để cán đích theo kế hoạch.
Về những vướng mắc liên quan đến các dự án, ông Nguyễn Đình Mạnh, Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Nghĩa Đàn đề nghị: Sắp tới, với những dự án tương tự, phải làm sao để các đơn vị thụ hưởng phải cam kết giải phóng mặt bằng bằng văn bản để có sự ràng buộc.
“Nếu không làm thế, thì cần phải bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng cụ thể. Bởi không có ràng buộc bằng văn bản, thì khó trong đề nghị phối hợp, truy trách nhiệm… “Tuy nhiên, huyện đang nỗ lực, quyết tâm để hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch phê duyệt”, ông Mạnh khẳng định.